Có một khác biệt lớn giữa nhà nông thôn miền Bắc và nông thôn miền Nam. Ở Bắc: phần để chống lại thiên tai gió bão, phần vì thói quen trọng bề mặt, nên cửa ngõ bề thế luôn là cái được đặt lên hàng đầu. Nội thất có thể trống hươ, nhưng xây được cổng to xem như đã an tâm được 50%. Còn ở miền Nam, thiên nhiên it khó tính, lại thêm bản tính ít lo xa, xuề xòa dung dị nên cửa ngõ hàng rào sao cũng được, nhưng nội thất trong nhà phải “coi được được” tí. Hai trường phái trên theo tôi cái nào cũng cực đoan và phiến diện, tại sao không kết hợp cả hai cách suy nghĩ lại, mọi chuyện chẳng phải sẽ hoàn mỹ hơn sao? Vừa có hình thức vừa có “nội dung”.
Ah, tôi chẳng phải là chuyên gia thiết kế nhà cửa cũng chẳng làm cho công ty nghiên cứu thị trường gì cho cam, chuyện cái nhà chẳng qua là cây cầu bắt qua chuyện tôi muốn nói dưới đây thôi: bộ áo cưới.
Cái tôi thấy kỳ ở đây là: 100% ai cũng “chăm chỉ chuyên tâm” chăm chút cho cái mặt tiền của bộ áo cưới, chăm đến từng milimet (àh, giống như chuyện cái nhà ở miền Bắc vậy). Vậy mà hầu như trên 50% các cô dâu lại bỏ quên đi cái hậu đài của bộ áo cưới, phần lưng áo bị bỏ bê tới mức sơ sài, giản dị (đôi khi xấu xí) một cách khó hòa hợp với mặt tiền chói lòa lấp lánh kim sa của nó. “Cũng không quan trọng lắm mà, chụp hình, đón khách, trên sân khấu, quay phim… tất cả đều cần mặt trước lộng lẫy thôi. Phía sau thế nào cũng được!” Đây là tâm sự của một cô dâu. Đúng thế, chuẩn bị cho cả một cái đám cưới (ở đây giống như một quy trình chứ không phải chỉ là một đêm tiệc cưới) đã là cả một gánh nặng, nhiều người đã stress nặng vì nó chứ chẳng chơi. Quá nhiều thứ trong đó, từ lớn tới nhỏ, mà tất cả đều phải thật hoàn hảo, nên bạn chẳng quản công mà nhúng tay vào tất cả mọi tiểu tiết, đến lúc mệt phát khóc lên được. Thì thử hỏi còn hơi sức đâu mà lo mấy cái chuyện gọi là “nice-to-have”. Tâm lý chấp nhận được, nhưng cái tâm lý ở trên thì khó đấy! Một chiếc áo cưới chỉ được gọi là hoàn thiện nếu tốt cả mặt tiền và mặt hậu. Nếu đi một vòng quanh các tiệm áo cưới bình dân thường thấy, bạn sẽ thấy có cùng một điểm chung: chiếc áo may phía trước rất nhiều chi tiết, trong khi phía sau dường như là một sự chắp vá, kiểu dáng không tương thích, quá xuề xòa và đôi khi các đường nối, cắt đúp bị biến mất một cách hụt hẫng, chỉ vì “trước sau gì người ta cũng nhìn có phía trước thôi mà!”.
Một chiếc áo đúng nghĩa đẹp sẽ là một sự cân đối hài hòa giữa trước và sau. Không phải là gì cầu kỳ nghiêm trọng, chỉ là một nửa sau đúng của nó, chứ không phải cắt ráp từ một chiếc áo bá vơ nào đó.
Rất, rất nhiều áo cưới đang bị cắt xén tỉa tót theo cách này, thợ khỏi tốn công, người thiết kế không cần suy nghĩ nhiều, người mua tiết kiệm được tiền, lợi quá còn gì? Một thực tế đáng buồn nhỉ? Tôi viết entry này chỉ với một quan điểm: đừng xem nhẹ bất kỳ một chi tiết nào trên chiếc áo cho ngày trọng đại của bạn. Phần lưng áo, bản thân nó giúp nói lên được nhiều điều. Hãy nhìn những cô dâu kiều diễm mà xem, đẹp biết bao nhiêu những tấm áo lấp lánh ôm chặt vào bờ eo thon thả, thấp thoáng sau mái tóc buông dài.
Những dây áo mong manh khẽ đan vào nhau như bàn tay e ấp của một người con gái sắp bước qua một ngưỡng cửa của đời mình.
Một dải satin nhẹ nhàng lướt qua lưng thon, gợi nhớ một tình yêu nhẹ nhàng e ấp
Một chiếc nơ xinh hờ hững lướt ngang chiếc cồ thanh cao trắng ngần, một vài cánh hồng lung linh đậu trên chiếc eo săn gọn mịn màng của cô dâu. Tất cả thật nhẹ nhàng, thanh thoát và quyến rũ.
Bạn hãy thử nhìn kỹ những tấm hình ở trên xem. Không thể cầm lòng được trước vẻ đẹp ngây người như thế này.
Ngày xưa, khi nhìn thấy tấm hình cưới của mẹ, trắng đen, chụp từ sau lưng, chiếc áo dài lung linh huyền ào, tôi đã ước mình thành một cô dâu.
Nào, hãy cho tôi xem những tấm hình cưới của bạn xem nào, một tấm áo chụp từ phía sau hoàn hảo. Và bạn sẽ cùng tâm trạng với tôi, mặt tiền chỉ có thể là mặt tiền đẹp, khi có một mặt hậu tương đồng.