CHÚ RỂ NGỦ TRONG RỪNG
(tặng T & N)
Tôi biết chuyện của chị cũng khá nhiều. Và tôi không phải một trong số thiểu số. Vì ai quen chị cũng biết chuyện của chị, một cách tường tận và chi tiết.
Tính chị hay “chia sẻ” bằng cách nói cho người khác nghe, nhất là thứ liên quan tới của cải, vàng bạc, châu báu, áo quần và chuyện gia đình. Mà gia đình chị hình như ai cũng nên thánh: mẹ thì nấu ăn ngon không ai sánh bằng và khéo léo tột đỉnh, bố thì có lòng đam mê nghệ thuật, theo đuổi cách sống thiền, tĩnh tâm như vại. Em trai thì hiền lành như bụt, khéo chọn vợ đảm đang. Người nhà đã là số 1, tập hợp tinh hoa của những tính cách bậc nhất, thì chị còn hơn thế một bậc, chị là “perfect”.
Nên người yêu của chị, và nếu may mắn là chồng chị sau này, là một người đàn ông “perfect”. Sự kết hợp của hai con người “perfect” này nếu đi đến một kết thúc như mơ, thì phải là một giấc mơ vương giả. Đám cưới của chị phải lả đám cưới lộng lẫy nhất, xa hoa nhất, sang trọng nhất, không giống ai, và cũng không ai sánh bằng. Đến có khi mười mấy năm sau người ta còn phải nhắc đi nhắc lại cái đám cưới của chị và những thứ xa xỉ xuất hiện trong ngày đó.
Ấy là chị muốn thế. Và chị tìm đủ mọi cách để nó hiện ra như thế. Này nhé, người yêu của chị thương chị lắm, mua cho chị nhà, đưa chị đi du lịch toàn chỗ xịn, chở chị ăn toàn món ngon, tặng chị hằng hà đồ hiệu. Tới giờ chưa ai có đủ hơi sức hỏi chị: anh ấy có quan tâm chia sẻ buồn vui với chị không? Chị biết ước mơ lớn nhất của anh ấy là gì không? Vì khi chị tràn tới họ, một lô một lốc tên hiệu thời trang nổi tiếng, những khu nhà xa hoa nhất thành phố này đã lấp đầy cuộc đối thoại (mà nói đúng hơn là độc thoại, vì tới lui cũng chỉ mình chị nói), họ nghe còn không kịp, nói chi hỏi thêm.
Rồi anh chị quyết định cưới nhau. Nghe phong phanh anh cầu hôn chị ghê lắm, ấy là qua lời kể của chị. Nhưng vài người thân thì lại bảo chị đòi anh cầu hôn như thế, cho lãng mạn. Chẳng biết nghe ai, chỉ thấy trong lòng có chút gì đó nghi ngại, mọi chuyện có vẻ miễn cưỡng quá chăng!
Bước vào giai đoạn chuẩn bị đám cưới, chị như bấn loạn, suốt ngày điện thoại trên tay, hết hỏi người này lại hỏi người kia, rồi ép người này chèn người nọ, chỉ vì mấy cái contact point. Ai mà liên quan tới đám cưới của chị, cũng lại phải là người perfect trong chuyên môn của họ. Chà! mà lúc tìm được người ưng ý rồi, chị cũng trả giá ghê lắm, đến độ có người đem chuyện này lên phàn nàn trên phờ bút.
Rồi tới phần chuẩn bị đám tiệc. Lại thấy chị tất tả ngược xuôi chit chat, headphone, điện thoại, facebook…nói chung là tất cả các công cụ (và hầu hết thời gian) dành cho việc kiếm tìm những nhà cung cấp ưng ý nhất. Nào hoa, nào nhà hàng, nào xe cộ, đèn đóm, âm thanh, ý tưởng…. Một mình chị kết nối, chắp vá, tượng hình tượng thanh để ráp chúng vào với nhau thành một mắt xích quan trọng và hoành tráng nhất của cuộc đời chị. Người nhà, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất, họ dù muốn hay không thì vẫn được chị “update trên từng cây số” công cuộc chuẩn bị đám cưới của mình, bằng rất nhiều hình thức: nhắc nhở, chuyện trò, hỏi han, tâm sự, nhờ vả, răn đe… Ôi thôi thì đủ cả. Chị vốn là người sống rất phong phú, nên chẳng bất ngờ nếu có một ngày chị gọi và hỏi một chuyện trên trời dưới đất mà bạn cảm thấy hết sức buồn cười vì sự “vô tư” ấy!
Thứ gì làm ra để chuẩn bị cho ngày cưới cũng phải hơn người, làm xong, việc trước tiên là chị cho cả công ty biết. Công ty là nơi chị cống hiến cả đời, chắc mẩm 100% là ai cũng “phải” quý chị, và ai cũng phải trầm trồ thán phục trước những gì chị đang làm từng ngày từng giờ cho cái đám cưới của mình. À, mọi người trầm trồ thật, thậm chí trố mắt ra nhìn khi nghe chị thao thao bất tận về từng kỷ niệm trong ngày chụp hình, từng lời nhận xét của anh thợ chụp hình dành cho cặp đôi đẹp nhất mà anh ta từng thấy… lại một lần nữa chứng tỏ cuộc sống phong phú nhiều màu sắc của chị. Cùng một câu chuyện, nhưng khi mang đến mỗi một người, nó lại mang một sắc thái khác. Chị thật hay!
Thứ gì làm ra để chuẩn bị cho ngày cưới cũng phải hơn người, và chị chẳng cần quan tâm tới chuyện kỷ niệm hay không. Nó phải đẹp, phải lạ, phải vượt lên trên những chuẩn mực thông thường. Đừng ai dại mà vặn vẹo hỏi chị: cái này tốn nhiều tiền vậy nhưng có để đến vài chục năm sau cho con cháu xem lại không? Chị không cần, giờ đẹp nhất, sang trọng nhất là được rồi. Vài chục năm sau hả, chị có cái nhẫn xịn rồi, khoe nhẫn cho con cái xem là đủ minh chứng cho tình yêu dạt dào của bố mẹ chúng. Cần chi mấy thứ linh tinh này!
Đại khái chuyện của chị là vậy!
Bạn thấy có điều gì lạ trong câu chuyện không? Có một nhân vật rất rất quan trọng, đóng vai trò “sinh tử” trong cuộc kết hôn này, mà từ đầu tới giờ, tôi không hề đá động tới. Và tôi hoàn toàn có lý do để không nói gì về anh ấy.
Vì anh ấy hình như chẳng làm gì cả, trong toàn bộ cái công trình tâm huyết của chị.
Đó là chồng chị, chú rể perfect.
Không ai biết đằng sau câu chuyện tình ấy là bao nhiêu kỷ niệm chứa chan lâm ly bi đát, hay những lời thề non hẹn biển dạt dào, người ta chỉ thấy cảnh chị hô hào tuyên dương tình yêu bằng cách đề cập đến những món đồ mà anh tặng, những chuyến đi chơi xa xỉ (mà chỉ toàn nghỉ dưỡng thôi), và những nơi chốn đắt tiền. Rồi tới đám cưới, mình chị làm tất. Người ta chẳng thấy anh đâu. Chị làm hết, theo dõi hết, và lại mình chị đi kể cho mọi người nghe những việc mình đang làm, cho mọi người này thấy thứ này cực đẹp, thứ kia cực sang.
Anh là “Chú rể ngủ trong rừng”.
Mà thói đời kỳ cục lắm. Phàm chuyện gì khiến người ta ghen tị, có chút tị hiềm trong đó, người ta càng có khuynh hướng suy diễn và bóp méo sự thật (dù cho sự thật đó có người biết người không).
Người vui vẻ hỏi nhỏ “Chị làm hết mọi thứ hả? Ảnh đâu?”
Người xấu tính nói sau lưng “Bà này, chắc kêu người ta cưới mình hay sao mà hăm hở chuẩn bị rồi đi khoe tùm lum. Còn ông kia thấy chẳng động móng tay!”
Người tâm lý hơn bảo “Chị giành làm hết mọi thứ thế này, còn cái gì cho ảnh làm, nên tự động ỷ lại là cái chắc!”
Người ác mồm bảo “Làm cho lắm, cuối cùng lại chẳng ra sao!”
Đấy, không ai bưng bít được miệng đời, chín người thì lại mười ý mà lị. Chị không nghe mà cũng không thèm để ý. Kệ, chị muốn có đám cưới hoàn hảo mà, họ bình dân nên ganh tị với chị thôi!
Người xung quanh ngày ngày lắc đầu, khi chứng kiến chị lặp đi lặp lại một tấn kịch hài đã cũ.
Ngày xưa trong vở “Công chúa ngủ trong rừng”, cuối vở Công chúa thức tỉnh được, thoát ra khỏi lời nguyền là nhờ vào một nụ hôn tràn ngập yêu thương và thành tâm thành ý của chàng bạch mã hoàng tử. Tôi thì cho rằng đó là lời ẩn dụ của người xưa: muốn người mình yêu thức tỉnh, ra khỏi một cơn mê, thì hãy mang đến sự chân thành, nụ hôn ấy vửa là món quà vừa là sự hy sinh (hoàng tử chẳng phải cũng là gián tiếp bị nàng công chúa cướp đi nụ hôn đầu đời là gì?), vừa là niềm chia sẻ đầy yêu thương. Tất cả những điều đó đọng lại thành một hành động, và chính hành động này đã khiến nàng bừng sống dậy.
Ngày nay, câu chuyện như chị và một “chú rể ngủ trong rừng” như anh không phải hiếm. Tình yêu không định nghĩa được, nhưng chắc chắn đó không phải một cuộc đổi chác. Hôn nhân là sự gắn kết thể xác và tâm hồn, đó là hoa thơm trái ngọt của tình yêu, chứ không phải là một cuộc chạy đua vật chất sang giàu.
Anh chị đã không có được với nhau một tình yêu đúng nghĩa, thiếu hẳn phần sẻ chia tâm linh và tinh thần. Chị đã không mang đến được cho anh một “nụ hôn đánh thức”, hôn nhân khởi đầu bằng một sự kiện không hề có sự sẻ chia.
Cái duy nhất mà anh chị đang có được là một “Đám cưới hoàn hảo” (mà thật ra khi kết nối những thứ toàn hoàn hảo lại với nhau, kết cục cuối cùng chưa chắc là một sự hoàn hảo lớn hơn), chứ chưa phải là một “Hôn nhân hoàn hảo!”
Mà tôi hỏi bạn câu này: bạn sống phần đời còn lại với đám cưới hay sống với hôn nhân?