BUỔI HÒA GIẢI GIA ĐÌNH
(tặng L.D & X.T)
Chiến dịch công tác tư tưởng tôi tiến hành với chị work khoảng 60%, chị bớt lo nghĩ nhiều so với cái hồi lần đầu gặp nhau.
Tôi biết áp lực ấy đến một phần rất lớn từ gia đình, mà cụ thể hơn là Bố chị. Bác trai là người Hoa truyền thống, với đầy đủ tất cả khí khái của một người trụ cột gia đình: sắt đá, lạnh lùng, gia trưởng hay quát tháo, toàn quyền và có phần hơi cực đoan. Tôi nghĩ mình không can thiệp gì vào truyền thống gia đình và tính cách của các bên, đó là giới hạn nhạy cảm mà một người làm wedding planner phải hiểu thấu và tìm cách dung hòa. Tôi biết chị sợ bác trai một phép, và tất cả những gì đã được lên kế hoạch hầu như được chị thực hiện đằng sau hậu trường.
Tôi đã cố thuyết phục để tiếp xúc bác trai, trình bày những gì sẽ diễn ra và những tiểu tiết nào sẽ được trình làng trong ngày trọng đại của anh chị. Có lẽ người ngoài có lợi thế của người ngoài, bác đồng tình nhưng không biểu lộ ra ngoài mặt.
Rồi ngày cưới sắp đến, chỉ còn cách 1 hôm. Sáng cuối tuần chị gọi tôi, giọng hớt hải, nhiều thay đổi. Tôi lại làm công tác tư tưởng với chị, nghe giọng chị bình tĩnh lại rồi, tôi mới tiếp “Những thay đổi này có nguyên nhân từ đâu?”, từ bố chị. Lý do của Bác cũng phần nào có lý, give it a shot. Sau rồi tôi phát hiện ra, có những điều bất cập mà Bác không nói ra từ trước, hoặc đã thử làm nhưng không được và rồi giờ đưa vào danh sách của những thay đổi này, chắc với chút hy vọng cầu may. Đặt mình thử vào vị trí của bác, tôi hiểu bác lo thế nào, cô con gái đầu lòng lên xe hoa về nhà chồng, dù chị có là một giám đốc, có là một cường nhân thì đối với bác, chị vẫn chỉ là một cô con gái nhỏ, chưa hiểu chuyện nhiều và chưa sắc sảo vẹn bề. Bác muốn mọi thứ về lễ nghi thật hoàn hảo. Tôi đã gọi điện thoại cho Bác, trình bày những gì mình suy nghĩ, để cập đến những thay đổi, confirm những gì có thể thay đổi và những gì là không thể. Đầu dây kia yên lặng, tôi biết bác xuôi tai, nhưng không bao giờ để lộ ra mình thấy người khác có lý, tôi biết ý, nên chỉ kết luận một câu “Cháu sẽ làm như đã trình bày cùng bác!” rồi nhã nhặn chào và cúp máy.
Câu chuyện cho tôi nhiều suy nghĩ hơn tôi tưởng, bằng chứng là vài ngày sau khi tiệc cưới diễn ra tôi vẫn không ngớt nghĩ về chị, về những người đang suy nghĩ giống chị.
Không đề cập đến truyền thống gia đình. Với tôi, và với bạn cũng vậy, ta đều biết là mỗi gia đình giống như một đất nước thu nhỏ vậy, có sự phân công lao động, có những lề luật, thói quen, và cách sinh hoạt khác nhau. Quan trọng hơn hết là đất nước ấy có ranh giới riêng của mình. Chính vì thế mà mọi sự xâm phạm đều được xem là hành vi thô bạo và bất hợp pháp. Tôi tôn trọng, và cực kỳ tôn trọng điều đó.
Ở đây, điều đầu tiên tôi muốn nói chính là quan điểm của 2 người trong cuộc. Bằng cách này hay cách khác, trong suốt quá trình trưởng thành và phát triển, dù sống trong cùng một gia đình, nhưng mỗi thành viên sẽ có một lối đi riêng. Trên lối đi ấy là cả sự hình thành về nhân cách, lẫn những quan điểm sống. Không thể nói gia đình không ảnh hưởng, rất nhiều nữa là khác, nhưng đó chưa phải là tất cả. Rồi khi đã trưởng thành, bạn lại một lần nữa có cơ hội tút lại quan điểm của mình khi đã có đủ bản lĩnh và tự tin trong cuộc sống.
Chị, một trong hai nhân vật chính của ngày vui này, đã từng nói với tôi rằng “Đám cưới ở Châu Á mình là đám cưới của Bố mẹ!”. Tôi hoàn toàn không đồng ý với cách suy nghĩ này. Chính quan điểm sai lầm này đã dẫn tới việc chị bị chi phối quá nhiều bởi ý kiến của bố mẹ và nhiều người thân khác. Mà đời này chín người mười ý làm sao cho vừa lòng người. Từ việc bị chi phối đó, chị cố làm hài lòng tất cả, nhưng khi người này hài lòng thì người kia lại phật ý, bản thân chị cũng không thích những sự thay đổi này, mâu thuẫn ngày càng tăng, không khí ngày càng nóng, chị bị stress. Có hôm L.N em gái chị gọi tôi bảo “Chị em bị stress nặng, có hôm thức dậy lúc 3-4 giờ sáng, ngồi lò mò gì không rõ, đến sáng luôn!”. Tôi không trách vì cách suy nghĩ ấy đã như liều thuốc qua ngày tháng ăn sâu vào tâm trí chị. Nhưng rõ ràng đó là một quan niệm sai lầm. Đám cưới là của chị, của chị và anh chứ không phải của một ai khác. Người nên, cần và sẽ nhớ lại tất cả những chi tiết kỷ niệm của ngày vui ấy, xem như một dấu ấn trọng đại trong cuộc đời mình sẽ không phải là ai khác, mà chính là anh, chị. Cho nên hãy làm hài lòng chính bản thân mình trước, trên nền tảng tôn trọng những quy cũ truyền thống lễ nghi gia đình. Đây là ngày của anh chị mà thôi!
Điều thứ hai: chính là thái độ của những người xung quanh. Hầu như khi chứng kiến chị lo lắng trăm bề như thế, thái độ tất cả những người xung quanh đã chọn là: đồng loạt đấu tranh cho… sở thích của mình. Bất kể đó không phải là ngày vui của họ. Thái độ này không giải quyết được vấn đề mà còn làm cho chuyện trở nên nghiêm trọng hơn. Tình thương có nhiều cách biểu hiện, nhưng biểu hiện thô nhất chính là muốn người đó làm theo ý mình, và đặt nhiều áp lực lên người mình yêu thương. Theo tôi, đó không phải là cách của yêu thương.
Điều thứ ba: chính là thái độ của người chồng tương lai. Anh rất lo lắng cho chị, nhưng chưa đủ để hiểu tất cả những gì đang xảy ra với chị. Những lúc ấy giá mà có anh kề bên, cùng thưa chuyện với bố chị, những người họ hàng khác, cùng chị vượt qua những ngày lo nghĩ nặng nề nhất, có lẽ chuyện sẽ tốt hơn rất nhiều. Đằng này, anh lo cho bên gia đình anh, để mặc chị lo phần gia đình chị. Tiến tới hôn nhân họ vẫn còn là 2 đường song song. Tôi lo cho tính cả nghĩ của chị sau này.
Rốt cuộc thì ngày cưới vui vẻ trăm bề, hay người cười kẻ khóc là do thái độ của người trong cuộc mà thôi.
Đám cưới là của bạn, không phải của ai khác, chỉ có là của bạn và người bạn yêu mà thôi!