TP.HCM, ngày 30 tháng 10 năm 2009
Gửi các chị, các bạn và các em!
Tôi viết thư này gửi các bạn, một bộ phận không nhỏ đang tôn thờ và vui thú từng ngày trong cuộc sống độc thân tự do tự tại của mình. Để tôi kể ra quy trình một ngày của bạn nhé. Nè, sáng thức dậy (thường là hơi muộn tí, đằng nào ra đường cũng kẹt xe), vệ sinh cá nhân, ngắm mình trong gương cái, thấy ôi sao mà dễ thương trẻ trung đáng yêu thế. Rồi ngồi nghiệm lại cái lịch làm việc, chu choa hôm nay có nhiều thứ đau đầu đây. Tung tăng ra đường, đến chỗ làm, ăn sáng đâu đó, rồi lăn xả cùng đống emails, tất bật điện thoại, chạy đi họp, gặp người này người kia. Ăn cơm trưa văn phòng, đa số là cũng với những người làm chung. Buổi chiều lại tất bật y như buổi sáng. Xong việc là tới mặt trời tắt nắng, phố đã lên đèn. Bạn lại tung tăng hò hẹn đi ăn cùng đám bạn, còn sức thì nhảy nhót, chơi bời đến khuya. Về nhà nằm vật ra khò tới sáng, lặp lại quy trình cũ. Với cuối tuần thì có khác biệt, đi gym, café với bạn, đọc sách hát hò, travel đâu đó…
Nói chung là bạn cảm thấy thời gian dành cho mình còn không đủ, huống hồ chi chia năm xẻ bảy cho người khác. Một vài mối tình có thoáng qua nhưng rồi cũng chẳng đi tới đâu khiến giờ bạn mệt mỏi, ngán ngẩm nghĩ tới chuyện tình cảm. Còn ai mà đang yêu thì lại không muốn nghĩ nhiều tới những ràng buộc lo toan của chuyện kết hôn.
Rồi, chuyện của bạn đã nói xong. Giờ tới chuyện của người.
- Trang (Nữ, 63 tuổi): trình độ Đại học. Sống trẻ. Tự do trong giới hạn tự mình cho phép. Hay cười, hiểu biết, bao dung, lãng mạn đi kèm thực tế. Ưa thể thao, thích nhạc cổ điển, sống với thiên nhiên cây cỏ. Tìm bạn tương đồng, lịch lãm, nhân hậu. Thư về HT 256, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, TPHCM.
- Nữ (nữ, 50 tuổi): Cao 1m55, nặng 55kg. Đạo Thiên Chúa. Tính dễ thương, yêu trẻ con, ngưỡng mộ tài đức. Mong kết bạn nam, nữ hợp sở thích để cùng chia sẻ cặn kẽ nếu có thể… Nếu nam, không bị ràng buộc, cao trên 1m65, nặng trên 60kg, tuổi từ 55 đến 65, không “tứ đổ tường”, kinh tế ổn định, điềm tĩnh. LH: 0988…
- Minh (nữ, 37 tuổi): cao 1m63, đã ly hôn, có con. Làm nhân viên bảo vệ. Tính giản dị, cầu tiến, nhân ái, yêu mái ấm gia đình. Mong muốn làm quen với bạn cùng cảnh ngộ, tuổi từ 36 đến 45. Sống thật lòng, nghiêm túc, ngoại hình phong độ, dễ nhìn, công việc ổn định, không mắc các tệ nạn xã hội. LH: 0977…
- …
(báo Phụ nữ, tháng 09 năm 2009)
Giở trang báo, lướt vài cái web, bạn có thể thấy nhan nhản những lời tự giới thiệu, tìm bạn bốn phương như thế. Hình thức này có từ tận mười mấy năm trước, khi tôi vẫn còn học cấp III, đã thấy chị của con bạn thân cứ ngày ngày hì hục nhận thư, viết thư, mà lúc nào mặt mày cũng háo hức như trẻ con.
Tôi gom chuyện của bạn và chuyện của người để ngẫm nghĩ , ở thời điểm này khi mình đã khác đi, sống một cuộc sống khác, trong một xã hội khác, và ở một thời điểm khác, thì đã đủ trưởng thành để nhận ra trong những thứ đáng sợ nhất của việc làm người là Tuổi già.
Đọc những dòng tìm bạn vô tri trên, ban đầu bạn có thể phá lên cười cùng chúng bạn, hay một người lạ ngồi đối diện, cùng nhau chúm đầu vào phân tích cái tức cười trong bài tự giới thiệu quái gở nào đó. Ví dụ như ở trên: cụ bà 65 tuổi, lại cho mình là người tự do trong giới hạn mình cho phép (mà thế nào là giới hạn), lãng mạn đi kèm thực tế (là sao trời?), sống với thiên nhiên cây cỏ (chắc dùng một cách nói khác cùa “vui thú điền viên”)… Một trường hợp điển hình của “hồi xuân muộn” chăng? Không tưởng tượng nổi một cụ bà tay chống gậy, ngồi xếp bằng nghe nhạc tiền chiến lại cất công viết thư tìm bạn bốn phương. Nếu bỏ qua khả năng là trò đùa quái ác của một cô gái hoặc anh chàng nào đấy, thì sau cơn cười, là nỗi ngậm ngùi. Tôi không hay tưởng tượng, nhưng đôi khi không thể cấm được cái đầu mình đi hoang, vẽ vời đủ thứ chuyện. Tuổi tác, kèm theo những bất mãn, những thứ mình cứ hoang mang tìm kiếm mà gần cuối đời vẫn khắc khoải chưa thấy, hình như khiến con người ta đau đớn, đắng cay, rồi làm những điều không phù hợp, và còn chua chát hơn nếu là phụ nữ.
Theo số liệu thống kê của tờ New York Times thì năm 2005 có 51% phụ nữ Mỹ sống độc thân tăng nhiều lần so với năm 2000 (49%) và năm 1950 (35%). Ở châu Á, 40% phụ nữ sống độc thân. Và riêng đối với Việt Nam, hiện tỉ lệ độc thân chiếm khoảng 2.5% dân số, trong đó chủ yếu là nữ giới, với tỉ lệ 87,6% tổng số người độc thân (kết quả cuộc điều tra dân số 2008, tổng cục thống kê VN). Một con số đáng lo!
Thì họ có lý do riêng. Tôi hoàn toàn hiểu, đồng cảm và thấu hết cho những lý do riêng đó. Có rất nhiều cuộc “nội chiến” trong những người phụ nữ độc thân. Bởi đơn giản từ sâu thẳm trong mỗi người phụ nữ đều có khao khát và thiên chức “được yêu, lấy chồng và sinh con”. Nhưng cũng có học giả cho rằng người ta vẫn có thể tận hưởng sự thoải mái, được yêu và sinh con mà không nhất thiết phải lập gia đình. Điều ấy chỉ đơn giản là phụ thuộc vào bản lĩnh của họ mà thôi.
Hồng Nga, năm nay 30 tuổi, làm giám đốc một công ty quảng cáo khá có tên tuổi trên thị trường, đã dự định làm lễ thành hôn với một người đàn ông bằng tuổi chị sau mối tình kéo dài 5 năm. Thì đùng một cái, có tin chị và anh đã hủy hôn.
Nguyên nhân là do Hồng Nga cuối cùng nhận ra mình không thể đáp ứng yêu cầu của người chồng tương lai: “Anh ta không phản đối việc tôi theo đuổi sự nghiệp hiện nay và luôn ở bên tôi những lúc khó khăn, nhất là khi tôi một mình điều hành công ty. Nhưng mặt khác, anh ấy cũng trông chờ tôi đảm đương một cách xuất sắc vai trò tề gia nội trợ của người phụ nữ như nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ, chăm sóc con cái. Mà để thực hiện hoàn hảo như anh ấy đòi hỏi thì quá ư mệt mỏi.
Cuối cùng chúng tôi chọn giải pháp sẽ chỉ là bạn bè. Tôi thực lòng yêu anh ấy, song tôi không dám chắc sẽ làm tròn bổn phận của một người vợ.
Ðối với Nga và nhiều phụ nữ khác, hôn nhân chưa phải là sự ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống cũng không phải là chỗ nương tựa duy nhất. Với nhiều phụ nữ, đó chỉ là một sự lựa chọn, không hơn, không kém. Dù họ có ra ngoài hò hẹn với ai đó, hay mong chờ những cuộc gặp gỡ định mệnh trên chuyến tàu, thì hầu như không ai có ý định thao thức hàng đêm để tìm cho mình một cuộc hôn nhân tương xứng. “Không có họ, tôi cũng chẳng hề thấy thiếu thốn gì”, đã có cô từng lạnh lùng tuyên bố thế.
Những phụ nữ độc thân thường giống nhau ở một số điểm: Có trình độ học vấn cao, ổn định về mặt tài chính, kiêu hãnh và tham vọng. Họ không coi độ tuổi từ 30 trở lên của mình là quá lứa lỡ thì mà trái lại, được giao du đây đó, được sống tự do còn tuyệt diệu hơn nhiều. Một người chồng lý tưởng, theo cách nói của họ, phải là người “biết sống đôi bên người bạn đời mà không được phép dẫm lên chân họ”. Là những người quen sống với khoảng trời riêng, họ cần một người đàn ông giàu có, chững chạc, và phải là bạn tâm giao.
Mà đàn ông như vậy có thể ví như động vật tuyệt chủng, rơi vào hàng cực hiếm. Và thế là chẳng bỏ công tìm kiếm, có người lại cho rằng, “nếu được làm lại từ đầu, tôi thà sống độc thân còn hơn”. Các nhà nghiên xã hội học dự đoán rằng, trong số các em gái sinh sau năm 1980, cứ 7 em sẽ có một em học theo chủ nghĩa độc thân.
Nhiều người có ý kiến nên đánh giá đúng mức những cống hiến của phụ nữ độc thân cho xã hội chứ không nên buộc tội họ phá vỡ cơ cấu gia đình. Thật ra, có nhiều phụ nữ sống độc thân là do họ quá thành công. Họ quá bận rộn nên không còn thời gian hò hẹn, lo nghĩ chuyện trăm năm. Còn lại là một số người không hề có ý định lập gia đình. Anh Vân, một chuyên viên tài chính nói: “Một phụ nữ nên vừa phải có tiền, vừa có một khoảng trời riêng. Tiền tượng trưng cho năng lực chuyên môn, trong khi khoảng trời riêng chính là khả năng lực chuyên môn, trong khi khoảng trời riêng chính là khả năng sống độc lập. Tôi đã chiêm nghiệm điều này và quyết định tận hưởng khoảng trời riêng của mình lâu hơn chút nữa”.
Chị Trúc, quản lý nhân sự, “Chị dâu tôi vừa phải chăm lo con cái, vừa phải quan tâm đến chồng và phục vụ bố mẹ chồng, suốt ngày túi bụi và mệt mỏi. Tôi tự do nhiều hơn, đi đâu tùy thích. Ðối với công việc, gia đình, bạn bè và du lịch luôn đứng ở vị trí ưu tiên”. Thật vậy, kể từ khi tốt nghiệp, đi làm, cô đã đi qua Ðông Nam Á, Mỹ và sắp tới là Tây Ban Nha và Ấn Ðộ. Ðây hẳn là một cách sống mới mẻ và hiện đại, vì chỉ mới cách đây vài thập kỷ, khi nói đến cuộc sống của phụ nữ độc thân thì người ta chỉ thấy thương hại.
Nhiều phụ nữ phủ nhận việc họ sinh ra nhất thiết là để làm mẹ. Không phải điều này không gây ra phản ứng khó xử từ phía đàn ông. Một nhà văn Hàn quốc nói: “Hãy xem loài ong đã xây dựng một xã hội hoàn hảo đến mức nào”.
Mọi con ong đều phải lao động, từ con ong chúa. Ong chúa không thể thiếu bởi nó làm nhiệm vụ sinh đẻ duy trì nòi giống. Thế thì tại sao phụ nữ ngày nay lại từ bỏ con đường của ong chúa để cắm đầu vào việc của ong thợ?
Câu trả lời tùy lựa chọn của mỗi người!